Hữu thể người, một hiện hữu lo âu theo S. Kierkegaard

Dẫn nhập

“Con người không sẵn lòng để nghĩ suy về tính vĩnh cửu một cách nghiêm chỉnh, nhưng lo âu [1] về nó. Lo âu có thể bày ra hàng trăm sự thoái thác khác nhau”[2] Soren Kierkegaard (1813-1855) đã từng trăn trở về phận người như vậy trong trong tác phẩm mang tựa đề “The Concept of Anxiety”, xuất bản năm 1844. Con người là âu lo, là khắc khoải vì thoái thác chính mình và đi xa cội nguồn. Lo âu và Khắc khoải có lẽ là dòng tư tưởng đi xuyên suốt trong các tác phẩm của nhà “Triết học Hiện sinh khởi đầu”. Các trước tác của ông vốn là dòng suy tưởng đầy khúc mắc về “sự kết hợp giữa đam mê vô hạn bên trong con người và giáo dục rút ra từ bên ngoài cái tôi”[3] trong tác phẩm “The Concept of Irony”(1841); ưu tư về sự  lý tưởng cuộc đời trong “Either/Or, A Fragment of life”(1843); của đau khổ và hy sinh chọn lựa của niềm tin trong “Fear and Trembling”(1843); của phận người lo âu giày xéo trong “The Concept of Anxiety” (1844); nỗi niềm trăn trở về tình yêu trong “Stages of Life’s Way” (1845);  của nỗi ngờ vực và thất vọng trong “The Sickness unto Death” (1849); và chỉ tìm được lẽ sống khi hướng về tuyệt đối trong tác phẩm cuối đời “The Changelessness of God” (1855). Loạt trước tác này vốn khắc họa nên một hữu thể vật lộn với chính mình trong lo âu khắc khoải để tìm sự hiện hữu thực trong thế giới.

Bài viết thực hiện một nỗ lực thâu nhận hữu thể theo quan niệm của Triết gia hiện sinh Kierkegaard, tức là nhắm tới tiếp cận hữu thể người, xét như một hiện hữu khắc khoải và âu lo trong tác phẩm “The concept of Anxiety”. Cũng như chính Kierkegaard đã từng nói, “là người ấy là âu lo”, điểm cốt lõi khi tìm hiểu về con người theo tư tưởng của ông cũng là đi tìm về ý niệm lo âu mà ông đưa ra nơi con người. Để thực hiện nỗ lực này, người viết sẽ lần lượt lược lại bối cảnh và nỗi trăn trở của Hiện sinh triết nói chung và của Kierkegaard nói riêng nơi tác phẩm vừa đề cập. Đi sâu vào ý niệm lo âu trong tác phẩm này, cũng nên thử vạch ra một lối nẻo để hiểu, từ hữu thể trượt ngã, giằng co nội tâm và hữu thể là âu lo, và sự lo âu cũng đến từ bản chất của hữu thể. Sau cùng, nỗi trăn trở hay lo âu của con người hẳn là hướng người ta đến một nỗ lực nào đó để vươn tới một hữu thể siêu vượt. Dưới nhãn quan niềm tin Kitô giáo, Kierkegaard đã tìm ra lối nẻo cho con người. Phần cuối nhìn nhận yếu tố khả năng có thể tháo gỡ nút thắt của hữu thể âu lo này.

  1. Kierkegaard và The Concept of Anxiety, một nỗi trăn trở về hiện hữu của con người
  2. Kierkegaard và trăn trở về thân phận con người

Kierkegaard cũng như Triết học Hiện sinh tập trung vào chính sự hiện hữu của con người, vốn bị lãng quên đã lâu trong giòng lịch sử Triết học. Có thể nói, ông chính là người đã khai mở một nền triết lý mới. Xuất phát từ kinh nghiệm của tâm hồn vật lộn với chính mình, triết học Kierkegaard là triết về đời sống, và là triết để mà sống cho ra người. Triết của ông đã đem con người trở về với cuộc đời và bản thân mình. Tư tưởng của Kierkegaard là một nền triết học thực thụ vì nó là một suy tưởng sâu xa về cuộc đời. Vì thế nó mang tên là Triết học Hiện sinh, triết học về cuộc đời con người.[4]

Hiện sinh là một tiếng nói đòi quyền được “sống” trong ý niệm về con người. Con người không chỉ là đối tượng như bao đối tượng khác để suy tư, nhưng con người có vai trò chủ động trong thế giới, đúng như Kiergegaar nói, “Con người vốn không xuất hiện như một sự tình cờ trong lịch sử, nhưng con người làm nên lịch sử.” [5] Với Kierkegaard, lo âu sợ hãi là kinh nghiệm cơ bản của con người khi đối diện với cái tuyệt đối.[6] Ông cũng nhìn vào con người hiện hữu với những nỗi âu lo thường trực gắn liền với thân phận làm người. Kierkegaar lần kia đã viết trong tác phẩm Journal du Séducteur:

Tự nguyên thủy đã có buồn chán. Vì buồn chán, chư thần đã sáng tạo nên con người. Rồi Ađam, nguyên tổ chúng ta cũng buồn chán vì cô đơn, cho nên bà Evà được tác tạo. Rồi từ đó, cùng với sự phát triển của loài người, buồn chán cũng phát triển và lan tràn khắp thế giới. Ađam một mình đã buồn chán. Khi Ađam ở với Evà, thì hai mình cũng buồn chán: khi có thêm hai con là Cain và Aben, thì cả gia đình cùng buồn chán, và khi có cả một loài người đông đúc, thì cả lũ người cũng buồn chán.[7]

“Văn là người”, hành trình cuộc đời của ông có lẽ được họa lại qua từng tác phẩm trong nỗi niềm trăn trở, khoắc khoải và âu lo.  Những dòng tư tưởng của ông gắn với những người có ảnh hưởng sâu sắc trong cuộc đời mình như người mẹ mất sớm; người cha với tâm hồn bị lấp đầy bằng sự mặc cảm, âu lo và cay nghiệt; của vị hôn thê Régine Olsen mà ông rất mực yêu thương nhưng chưa bao giờ nên duyên vợ chồng … Có lẽ với hình thức khác, nhưng Kierkegaard cùng một tâm trạng với thi hào Nguyễn Du khi suy về phận người: “trải qua một cuộc bể dâu/những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” Nơi The Concept of Anxiety, có thể thấy phảng phất một hữu thể trong thế giới trải nghiệm những thao thức và lo âu được đẩy đi đến tận thẳm sâu của phận người. Có lẽ đó là một cuộc kiếm tìm và khám phá ra người đích thực, hướng tới sự Đấng tuyệt đối, mà ông gọi là Thiên Chúa. Kierkegaard đã bước đi, liều lĩnh tới tận cùng và trải nghiệm nỗi khắc khoải thẳm sâu ấy, rồi đi đến xác quyết: “Kinh nghiệm về sự liều  lĩnh mọi người đều nên trải qua – học biết trong tình trạng âu lo để có thể không bị tàn lụi hoặc là vì chưa bao giờ trải qua âu lo hoặc là vì chịu thua cuộc trong lo âu. Bất kỳ ai học biết lo âu đúng cách thì có thể nhận biết về Tuyệt đối.”[8] Nỗi Lo âu trong tác phẩm The Concept of Anxiety chất chứa những suy tưởng trên đây.

  1. Tiếp cận quan niệm lo âu trong The Concept of Anxiety

Trước hết, Kierkegaard nhìn nhận rằng, toàn bộ thực tại về sự hiểu biết phóng chiếu chính nó nơi sự lo âu như là cái không (nothing) to lớn của sự vô minh (ignorance).[9] Con người nằm trong thực tại đó với sự âu lo về chính cái mà mình không nhận thức được. Vì thế, ông đi tới nhận định, trong trạng thái thanh nhàn và nghỉ ngơi, không có gì khiến xung đột khơi dậy; nhưng tự điều không có gì (nothing) này lại sản sinh ra sự lo âu. Đây là bí ẩn sâu xa của sự vô minh. Sự vô minh vốn tồn tại cùng lúc với sự âu lo. Kierkegaard cũng cho thấy, sự vô minh hay vô tội mà Ađam trải qua bao hàm sự không lỗi phạm, hay bất an nảy sinh phá vỡ đi sự bình an trong tâm trí.[10]

Con người là một tổng hợp của thể chất và tâm lý; thể chất và tâm lý hòa trộn với nhau tạo nên yếu tố thứ ba là tinh thần. Tinh thần giúp nối dài mối tương quan giữa hai yếu tố tâm lý và thể chất. Tinh thần là một năng lực thân thiện, vì nó vốn cấu thành nên tương quan, nhưng nó cũng bóp méo đi vai trò và tương quan giữa thân xác và tâm trí. Chính vì thế, Kierkegaard nhìn nhận tinh thần được nhìn nhận tự nó như một sự lo âu.[11] Nhưng loại tinh thần mà ông nhắm tới vốn là một sự nhìn nhận chỉ có nơi con người.

Tinh thần nơi con người phóng chiếu hiện thực của chính nó, nhưng hiện thực này lại không gì cả, và sự vô minh luôn nhìn cái không gì cả này bên ngoài chính nó. Lo âu là một điều kiện của tinh thần mơ mộng (dreaming). Hiện thực về tinh thần luôn biểu lộ chính nó như một khuôn mẫu vốn thúc đẩy khả năng có thể (possibility) của tinh thần, nhưng lại biến mất ngay khi nó nhắm tới hiểu biết sâu xa về tinh thần, và đây là một cái không (nothing) vốn chỉ có thể mang tới lo âu. Khái niệm về sự lo âu là thực tại tự do như là khả năng của khả năng có thể (possibility of possibility). Vì đó, lo âu không được tìm thấy nơi thú vật, vì tự bản chất, thú vật không được nhìn nhận như tinh thần.[12]

Một cách cụ thể, sự cấm đoán đánh thức ước muốn vốn sẵn có nơi con người. Người ta sở đắc sự hiểu biết thay vì vô minh. Trong trường hợp của Adam, ông hẳn là đã từng có một sự hiểu biết về tự do, vì khát khao muốn sử dụng nó. Sự cấm đoán xui khiến ông lo âu, vì sự cấm đoán làm thức tỉnh nơi ông khả năng có thể của sự tự do. Nhưng đồng thời, cần nhận thức rằng sự trừng phạt cũng thức tỉnh ông suy nghĩ tới sự cản trở. Căng thẳng nội tại này gây nên sự lo âu. [13]  Vì lẽ đó, sự lo âu liên hệ tới sự ngăn cản và trừng phạt.

Ở đây, Lo âu được xem xét dưới hai khía cạnh: lo mang tính khách quan và chủ quan. Lo âu khách quan phản ánh tội lỗi của thế hệ trên toàn thế giới. Nhưng thực ra, đối tượng của sự âu lo là là một cái không (nothing).[14] Lo âu mang tính chủ quan đặt nơi cá nhân và là hệ quả của tội lỗi anh ta. Sự phân biệt giữa lo âu chủ quan và lo âu khách quan thuộc về sự chiêm ngắm thế giới và tình trạng của mỗi cá nhân các thế hệ sau về sự vô tội.

 

  1. Hữu thể người, một hiện hữu lo âu theo S. Kierkegaard
  2. Hữu thể lo âu do một cuộc trượt ngã

Cùng một lối nhìn như Fear and Trembling, Kierkegaard đã khởi đi từ thân phận của Ađam như là một đại diện toàn bộ loài người và suy tư về bản tính của con người trải qua một cuộc trượt ngã. Ấy là khởi điểm và kéo dài của một thân phận mang trong mình sự âu lo. Trong chương đầu tiên, ông giả thiết rằng, sự âu lo là tiền giả định của tội ban đầu; để giải thích nó, cần một cuộc ngược dòng lại cội nguồn mà nơi đó nó phát xuất ra.

Trước hết, Ađam được bàn tới như một đại diện cho phận người và toàn thể nhân loại nói chung. Sách Sáng thế nói về cuộc sa ngã của Ađam xét như một chủ thể phạm tội. Hành vi phạm tội của ông đã đem điều xấu vào nhân loại. Tuy vậy, sự trượt ngã của Ađam không chỉ có cá nhân ông chịu trách nhiệm. Nhưng Kierkegaard cho rằng, sự trượt ngã này là của cả nhân loại. Ađam chỉ là một trong số những người ở trong loài người. Ông cũng khẳng định vai trò của Ađam khi nói rằng: “tội lỗi hay sự trượt ngã đi vào nhân loại là do Ađam.” [15]

Ở trong sự trượt ngã của Ađam, cũng như từng người trong toàn thể nhân loại, Kierkegaard một mặt khẳng định yếu tố chuyển trao và ảnh hưởng của toàn bộ loài người trên một cá nhân. Hay nói cách khác, toàn bộ loài người có phần trong một cá nhân. Nhưng mặt khác, ông cũng khẳng định tính trách nhiệm của mỗi cá nhân khi nói: “mỗi cá nhân đều góp phần mình trong tổng thể loài người.”[16]

Vậy sự trượt ngã ở đây là gì và điều gì tạo nên sự trượt ngã ấy? Một số tác giả nhìn nhận sự nối tiếp của một cuộc trượt ngã dưới nhãn quan khác nhau. Một trong những góc nhìn về the Concept of Anxiety là đặt trung tâm nơi khả năng (possibility) và tự do. Trong đó, khả năng của tự do nhìn nhận chính mình nơi sự âu lo. [17] Con người vốn được đặt để tự do trong chọn lựa. Sự trượt ngã đến từ một sự chọn lựa. Tuy vậy, luôn luôn có những giới hạn trong con người. Do đó, có một sự căng thẳng nội tại nơi con người: một mặt con người có tự do, có khát khao, nhưng mặt khác con người bị giới hạn. Kierkegaard nhìn nhận rằng, sự cấm đoán là điều kiện dẫn tới sự trượt ngã, đồng thời cũng được xem như gây cớ dẫn tới concupiscentia – thèm muốn thái quá. Ước muốn thái quá là một yếu tố quyết định gây nên tội và lỗi phạm. Tuy thế, thèm muốn thái quá vẫn chưa phải là tội và lỗi phạm, tức là, nó chỉ là bước đầu. Bước nhảy về phẩm chất (qualitative leap) chính là yếu tố gây nên sự trượt ngã. [18] Đây mới trở nên bước quyết định của thân phận con người.

Trong cuốn The Concept of Anxiety, Kierkegaard nói khá nhiều về yếu tố chuyển dịch giữa thế giới vô tội và tội đi vào thế giới nơi cuộc trượt ngã. Yếu tố cốt yếu tạo nên bước chuyển này chính là bước nhảy về phẩm chất nơi con người. Tuy vậy, không dễ để có thể đưa ra được một giải thích rốt ráo về bước nhảy này. Kierkegaard chỉ dẫn ra ra cụ thể về yếu tố nhục dục nơi con người. Ông cho rằng, nhục dục nơi con người tự bản chất không phải là tội lỗi, nhưng tội lỗi làm cho nhục dục ra tội lỗi. Tội lỗi này là một cuộc trượt ngã và được nhìn nhận nơi chọn lựa của bước nhảy về phẩm chất của con người. Ông cho rằng, “chính vì Adam mà tội lỗi đã đi vào thế giới. Yếu tố nhục dục trở thành tội lỗi bởi bước nhảy về phẩm chất của cá nhân.” [19] Sự khác biệt giữa Adam và những cá nhân theo sau là, cá nhân ở trong tương lai được phản tỉnh nhiều hơn so với Adam. Sự khác biệt cao nhất trong tương quan với Adam là tương lai dường như được dự liệu nhờ quá khứ hay nhờ lo âu mà khả năng bị mất trước khi nó xảy ra.[20] Và tội lỗi là một sự lo âu. Sự lo âu này là hậu quả của cuộc trượt ngã về phẩm chất nơi con người.

  1. Hữu thể lo âu nơi cuộc giằng co nội tâm: không muốn quyết định và phải quyết định

Khác với Hegel, Kierkegaard nhấn mạnh đến lịch sử cá nhân và trách nhiệm cá nhân. Cùng với sự hiện hữu của hữu thể trong lịch sử thế giới, với những mối tương quan với con người giữa các thế hệ, kế thừa và đong đầy lịch sử của cộng đồng, ông cũng nhấn mạnh tới yếu tố đòi hỏi của những bước nhảy mang đậm tính chọn lựa và nỗ lực của cá nhân.[21] Con người cần phải chọn lựa và sống lối sống của riêng mình, đây là một đòi buộc. Nhưng trong tiến trình chọn lựa này, con người lại vấp phải sự giới hạn của phận người. Lo âu là yếu tố bao trùm toàn bộ cuộc sống. Đứng trước sự chọn lựa, con người một mặt không không muốn quyết định, nhưng lại phải quyết định, vì thế, con người hiện hữu với sự lo âu vì cuộc đấu tranh ngay trong nội tâm. Điểm giải gỡ mà Kierkegaard nại đến đó là sự tự do của con người.

Dưới nhãn quan niềm tin Kitô giáo, Kierkegaard nhìn nhận Thiên Chúa tạo dựng nên con người và ban cho họ có tự do chọn lựa. Do vậy, mỗi cá nhân mang một gánh nặng trách nhiệm rất lớn, vì những chọn lựa hiện sinh của họ sẽ phải nhắm tới ơn cứu độ hay bị tiêu diệt. Lo lắng (anxiety) hay run sợ (dread) là sự linh cảm (presentiment) về trách nhiệm lớn lao khi cá nhân đứng trước ngưỡng cửa của sự chọn lựa hiện sinh quan trọng này. Lo lắng là một cảm xúc với hai mặt: một mặt là gánh nặng lo âu về việc chọn lựa cho sự vĩnh cửu; mặt khác là niềm vui vì sự tự do trong việc chọn lựa của chính bản thân họ. Chọn lựa xảy ra trong chốc lát, vốn là điểm mà ở khoảnh khắc ấy, thời gian và sự vĩnh của chồng chéo nhau – vì cá nhân tạo nên ngang qua chọn lựa tức thời một cái tôi vốn sẽ được phán định cho vĩnh cửu.[22] Điều này cũng xác định hữu thể độc đáo của con người, đó là sự tự do.

Nơi con người, tương quan giữa tội lỗi hay âu lo với ơn cứu độ theo quan niệm Kitô giáo mang tính nội tại. Một mặt, tính lây lan của tội là khả năng vốn mang tới sự âu lo. Mặt khác, khả năng của ơn cứu độ lại không là gì cả, lại là điều mà cá nhân vừa yêu mến và vừa sợ hãi, vì đây luôn là mối tương quan của khả năng với chọn lựa của cá nhân.[23]

Kierkegaard cũng đặt ra vấn đề về tự do và vận mệnh nơi con người. Trước hết, ông nhìn nhận rằng, “bổn phận là yếu tố giúp giải thích làm thế nào mà sự tồn tại của tôi đi vào trong mối tương quan với chính nó và diễn tả chính nó trong sự tồn tại bên ngoài của tôi.”[24] Như thế, bổn phận chính là yếu tố xác định, con người là mình, vị trí của mình trong thế giới. Nhờ lối nhìn hướng vào bên trong, con người khám phá ra tự do. Họ không còn sợ vận mệnh vì đã đặt để quan niệm không ở bên ngoài bổn phận. Tự do đối với anh ta là niềm hạnh phúc hoàn hảo, không phải tự do làm điều này hay điều khác trên thế gian này. Nhưng tự do để biết về chính mình rằng, mình được tự do. Kierkegaard cho rằng, điều duy nhất mà con người lo âu là khi lỗi phạm là vận mệnh. Con người lo âu vì hữu thể tội lỗi.[25] Lo âu là khả thể của sự tự do, và chỉ lo âu như vậy thì ngang qua giáo dục nhờ đức tin tuyệt đối mà giúp làm tan đi tất cả những mục đích xác quyết trước đó và khám phá mọi sự lừa phỉnh của nó.[26]

Mối tương quan của tự do với lỗi phạm là sự lo âu, vì tự do và lỗi phạm vẫn chỉ là những khả năng có thể xảy ra. Tội lỗi của toàn bộ thế giới được hợp lại để làm một người mắc phải tội lỗi, và trong việc trở thành tội lỗi, anh ta đã góp vào tội lỗi của toàn nhân loại.[27] Anh ta chỉ sợ lỗi phạm, vì “khi anh ta lỗi phạm, lỗi phảm mới lấy tự do khỏi anh ta.” [28] Kierkegaard cũng nhìn nhận rằng, “một người dường như trở nên tội lỗi hơn đơn thuần ngang qua sự lo âu về chính mình.”[29] Do vậy, hữu thể luôn trong tình trạng lo âu bởi yếu tính tự do của mình. Trong sự tự do, họ phải chọn lựa dứt khoát giữa sự sống và cái chết, giữa ơn cứu độ và sự hủy diệt đời đời. Chọn lựa này bị ngăn cản hay làm rối nhiễu bởi những rối nhiễu của sự lo âu. Chọn lựa này cũng không nằm đâu xa, nhưng ngang qua chính việc thực hiện bổn phận của mình. Vì bổn phận, nói như Kierkegaard, cách nào đó xác định sự hiện hữu của mình trong thế giới.

  1. Hữu thể lo âu: vì không thể tránh. Hay lo âu là yếu tính của hữu thể người

Kierkegaard từng khẳng định:

Nếu một hữu thể người là một thú vật hay thiên thần, anh ta không thể ở trong âu lo. Vì anh ta là một tổng hợp (thể chất, tâm lý), nên có thể ở trong âu lo; và càng ở trong tình trạng âu lo sâu xa thì càng là người lớn lao hơn. Âu lo không hiểu từ bên ngoài con người, không phải lo âu về những thứ bên ngoài nhưng tự bản thân sản sinh ra âu lo rồi.[30]

Qua khẳng định trên, ông đã nhìn nhận tính chất lo âu nội tại nơi hữu thể người. Lo âu không chỉ đến từ bên ngoài, nhưng tự bản chất con người, sinh ra đã có lo âu và tự bản thân mình cũng sản sinh ra lo âu. Ông cũng quan niệm: “Tội lỗi đi vào thế gian luôn luôn do bởi bước nhảy về phẩm chất của cá nhân. Mọi cá nhân bị cám dỗ bởi chính mình.[31] Sự lo âu là không thể tránh được, bởi vì tự bản thân hữu thể đã có sự trượt ngã. Sự trượt ngã này được đánh dấu bằng bước nhảy về phẩm chất của con người.

Nơi con người có sự kết hợp nội tại yếu tố thể chất và tâm lý, được duy trì bởi tinh thần, thì vốn đã tồn tại yếu tố tính dục của thân xác. Là con người, ấy là có yếu tố tính dục. Kierkegaard nhìn nhận yếu tố thể chất được nhấn mạnh nhiều trong giải thích ngày nay về sách Sáng thế, nhất là yếu tố tính dục. Nhưng ông cho rằng, phạm tội không phải là tính dục dục, nhưng nếu không có tội thì không có tính dục, nếu không có tính dục, thì cũng không có lịch sử. Nơi bản năng giới tính có sự tổng hợp được sắp đặt như một sự trái ngược, nhưng chính sự sắp xếp đó lại là một nhiệm vụ, lịch sử của nó bắt đầu cùng một khoảnh khắc. Đây là thực tại mà được nhìn nhận trước bởi khả năng của tự do. Khả năng vượt quá để đi vào thực tại. Khoảng giữa đó là sự lo âu, đó là bước nhảy về phẩm chất.[32]

Bên cạnh là tổng hợp giữa thể chất và tâm lý, con người cũng là một tổng hợp của tính thời gian hữu hạn và vĩnh cửu. Tính thời gian (temporal), mọi thời khắc, cũng như tổng hợp các thời khắc là một tiến trình, không có thời khắc nào chỉ là hiện tại, quá khứ hay tương lai. Ngược lại, tính vĩnh cửu lại là hiện tại. Trong vĩnh cửu, không có sự phân tách thành quá khứ, tương lai, vì hiện tại được đặt để như chuỗi kế tiếp bị bãi bỏ.[33] Thời gian là chuỗi vô hạn. khoảnh khắc vượt thời gian và đi vào vĩnh cửu, chính vì vậy tổng hợp tính thời gian và vĩnh cửu không phải là một tổng hợp khác, nhưng là sự diễn tả cho tổng hợp trước đó, theo đó con người là một tổng hợp giữa thể xác và tâm thần vốn được kéo dài trong tinh thần. Ngay khi tinh thần được đặt để, khoảnh khắc đã là hiện tại rồi.[34] Tinh thần của con người được coi là yếu tố độc đáo, cũng để phân biệt với các yếu tố khác. Nhưng chính yếu tố này tạo nên sự lo âu. Vào năm 1844, trong tập nhật ký của mình ông từng nói:

Theo chỗ tôi biết, các nhà khoa học tự nhiên đồng ý rằng, các thú vật không lo lắng đau khổ, chỉ vì chúng tự bản chất không gọi là tinh thần. Chúng sợ hiện tại, sợ hãi,… nhưng không phải là âu lo. Chúng không có sự âu lo, nhưng đúng hơn chúng chỉ có dự cảm (presentiment).[35]

Là con người trong thế giới, Kierkegaard cũng nhìn nhận lo âu là tất yếu vì con người vốn có tương quan với những người khác. Ông nói, “hệ quả (tội lỗi hay lo âu) luôn có tính kép, một người không thể tách rời khỏi người khác.”[36] Thực vậy, trong mỗi khoảnh khắc, một cá nhân là chính anh ta và cũng là toàn thể loài người. Đây là sự hoàn hảo của con người, được xem như một tình trạng hiện hữu. Mỗi cá nhân có một lịch sử nhưng nếu cá nhân có một lịch sử, thì họ cũng có “tính loài người” trong đó. Mỗi cá nhân có cùng một sự hoàn hảo nhất định tự bản chất do đó, điều này khiến cho mỗi cá nhân không thể thay đổi hay rơi vào vị trí của cá nhân khác. Mỗi cá nhân quan tâm chính yếu về mỗi cá nhân khác, cũng như với lịch sử của chính mình. Vì thế trong chính mình nghĩa là sự tham dự hoàn hảo trong tổng thể. Không cá nhân nào lãnh đạm với lịch sử của loài người.[37] vì thế Adam vừa không khác biệt với loài người, nhưng ông không phải loài người. Đúng hơn, cần phải nói rằng, ông là chính mình và là loài người. Nỗi âu lo là của cá nhân, nhưng cá nhân còn chịu chi phối của nỗi lo âu của cả loài người.

Lo âu xảy ra như một sự đáp trả lại tương lai. Vì tự do, khả năng là tương lai, và tương lai dành cho thời điểm để khả năng xảy ra. Thí dụ, nếu tôi lo lắng về điều bất hạnh trong quá khứ, thì không phải vì nó mà tôi lo âu, nhưng tôi lo âu vì nó có thể bị lặp lại trong tương lai. Khi ấy nó trở thành tương lai.[38] Kierkegaard cũng khẳng định, “trên hành trình cuộc đời, sẽ phải trải qua những trắc trở trên đường để học biết về sự lo âu để không bị tiêu diệt hay không rơi vào âu lo hoặc bị tàn lụi trong âu lo. Bất kỳ ai từng học hỏi để âu lo đúng cách thì sẽ học được về tuyệt đối.” [39]

  1. Bước nhảy của niềm tin: khả năng tháo gỡ nút thắt về hữu thể lo âu

Con người trong thế giới luôn ở trong trạng thái lo âu và khắc khoải. Sự lo âu ấy vốn dĩ nội tại nơi con người, nhưng con người một mặt không dám trở về và đối diện với mình. Nhưng mặt khác trăn trở để tìm kiếm điểm tựa để bấu víu. Kierkegaar nói về điều này: “Con người không sẵn lòng để nghĩ suy về tính vĩnh cửu một cách nghiêm chỉnh, nhưng lo âu về nó. Âu lo có thể bày ra hàng trăm sự thoái khác khác nhau. Đây đích thị là điều xấu (demonic).[40] Điểm giải gỡ cho vướng mắt của hữu thể trên đây được ông nhìn nhận đó là bước nhảy của niềm tin. Để đạt được bước nhảy này, ông cũng nhìn nhận cần phải trải qua một cuộc đào luyện trong Đức tin.

Đối với Kierkegaard, Đức tin của người Kitô hữu không phải là một vấn đề của việc dội lại tín lý của Giáo hội. Nó là một vấn đề của lòng khát khao chủ quan của cá nhân, vốn không thể được suy niệm bởi hàng giáo sĩ hay những yếu tố giả tạo của con người. Đức tin là nhiệm vụ quan trọng nhất phải đạt tới của Bất kỳ ai được đào luyện bởi sự lo âu là được giáo dục bằng khả năng, và chỉ người được giáo dục bởi khả thể thì mới được đào luyện theo tính vô hạn của mình. Vì thế khả thể có sức thuyết phục lớn nhất trong số tất cả các phạm trù.[41]

Bất cứ ai được đào luyện bởi sự âu lo thì được đào luyện bởi khả năng (possibility), và chỉ người được đào luyện bởi khả năng mới thâu nhận được theo sự vô hạn tính của anh ta mà thôi. Do đó, khả năng có sức nặng nhất trong mọi phạm trù. Khả năng này được hiểu là khả năng về hạnh phúc, may lành,…khi đào luyện trong lo âu, anh ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn do chân nhận thực tại và đưa ra những giải thích về thực tại. để được đào luyện tuyệt đối và vô hạn bởi khả thể, anh ta phải chân thành hướng tới khả thể và phải có đức tin. Đức tin ở đây được hiểu theo như Hegel đã từng đề cập một số nơi nào đó, ấy là điều nào đó bên trong vốn dự liệu về tính vô hạn.[42]

Để một cá nhân có thể được giáo dục trọn vẹn và vô hạn bởi khả thể, anh ta phải chân thành hướng tới khả thể và phải có niềm tin. Nếu một cá nhân lừa dối khả năng, thì qua đó anh ta được đào luyện, thì sẽ không bao giờ đạt tới đức tin, vì thế đức tin của anh ta sẽ là sự khôn ngoan của hữu hạn tính. [43]. Khi cá nhân được giáo dục ngang qua sự lo âu đi vào niềm tin, lo âu sẽ nhổ tận gốc chính xác những gì mà tự nó nảy sinh.[44]

Kết luận

Thế kỷ thứ XIX chứng kiến một ngã rẽ mới trong suy tư triết học. Những suy tư về vấn nạn của cuộc sống con người được đẩy tới tận cùng. Các triết gia đặt nhiều vấn đề về sự hiện hữu của con người trong thế giới và xã hội cụ thể. Trước đó, nền triết thuyết của Hegel đang thịnh hành với sự nhìn nhận tinh thần tuyệt đối được phóng chiếu như một hiện tượng tối cao mà con người nhắm tới và nhưng bao giờ có thể tới gần. Phản ứng lại lối nhìn này, các nhà Hiện sinh dần đi tới một lối suy tư gần gũi hơn trong cuộc sống thường nhật với đối tượng là con người tồn tại hiện sinh. Kierkegaard nằm trong chiều hướng đó.

Có thể coi The concept of Anxiety như tác phẩm nối tiếp ý niệm về sợ hãi và run rẩy, Kierkegaard đã nhìn hữu thể người với nỗi âu lo khôn nguôi tìm về thượng nguồn. Trong những lời cuối và đầy tâm tình trong tác phẩm Fear and Trembling, ông nói; “Đức tin là đam mê cao nhất nơi một hữu thể người”.[45] Trong đó, bằng lối nhìn của Đức tin Kitô giáo, ông nhìn về bản chất của con người nơi Ađam và bàn tới bước nhảy của niềm tin nhờ đó con người vươn mình ra khỏi mối sợ hãi và run rẩy của phận người. Đến The Concept of Anxiety, Kierkegaard ddax nhìn nhận con người được bao trùm bởi một nỗi lo âu. Nỗi lo âu này từ ban đầu có lẽ được khởi nguồn từ cuộc trượt ngã và phạm tội, qua bước nhảy về phẩm chất con người. Nhưng chưa dừng lại ở đó, đọc The Concept of Anxiety, người đọc còn nhận ra ngay trong chính con người có một sự âu lo giằng xé giữa điều mình không muốn quyết định nhưng vẫn phải quyết định, đó là chọn lựa sống và hoàn thành bổn phận để đạt tới hoặc là ơn cứu độ – cuộc sống vĩnh cửu, hoặc là bị tiêu diệt. Kierkegaard đã đẩy hữu thể lo âu lên sự đồng nhất giữa con người và bản chất của con người. Con người là lo âu vì con người được phú bẩm tự do và tinh thần. Con người sinh ra có thể được nhìn nhận là đã bước vào một hành trình trong lo âu và sợ hãi. Tự mình đã trở nên nỗi lo âu cho mình.

Vấn đề đặt ra là, làm sao có thể giải quyết vấn đề lo âu và sợ hãi trong thân phận con người? hay nói cách khác, ý nghĩa của sự lo âu trong yếu tính của con người đặt tương quan với Thiên Chúa? Kierkegard đã đề cập tới bước nhảy của niềm tin (leap of the Faith). Có thể nói, bước nhảy là một cụm từ khóa để giải quyết nhiều những nút thắt trong trăn trở của thân phận con người, theo Kierkegaard.

Đến đây, có thể thấy một dòng tư tưởng tiếp nối giữa tác phẩm Fear and Trembling The Concept of Anxiety. Có thể mon men đưa ra một nhận định là bước nhảy niềm tin trong Fear and Trembling vốn đòi hỏi một cuộc dấn thân và nhập cuộc vào hành trình của Đức tin bằng thái độ tin tưởng của Abraham, thì trong The Concept of Anxiety, cuộc đào luyện của niềm tin ấy một lần nữa được khẳng định là cần thiết và bước đi trong sự khiêm nhường, mở ra trước tiếng gọi mời của Vô hạn tính ngay ở bên trong con người. Nhưng tác giả Geoge Pattison nhận định, sự lo âu của phận người còn tiếp tục được khai triển nơi the Sickness into Death.[46]

Nếu coi “hữu thể luận là công việc của những nhà trí thức muốn suy tưởng về những gì họ sống dưới ánh sáng của những gì họ đang sống”[47] như D.Dubarle quan niệm, thì Kierkegaard là một mẫu hình tiêu biểu cho sự nối kết trăn trở con người ông giữa tư tưởng và lối sống. Và nếu coi “triết học là ưu tư về cái chết, là làm cho mình nên giống Thượng đế trong mức độ khả thi đối với con người, đó là ngưỡng vọng đạt tới một phương cách hiện hữu thần thiêng”[48] như Heidegger sau này quan niệm, thì hẳn là ông đã nhận thấy sự “khắc khoải và âu lo” nơi những trước tác của Kierkegaard rồi.

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Đỉnh, Trần Thái. Triết Học Hiện Sinh. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Học, 2005.
  2. Hồng, Đậu Văn. Dẫn vào Hữu Thể Luận tra vấn chức năng Meta. nội bộ, 2002.
  3. Kierkegaard, S. Fear and Trembling. Translated by Alastair Hannay. New York: Penguin Grop, 2006.
  4. Kierkegaard, Soren. Papers and Journals. Translated by Alastair Hannay. London: Penguin Books, 1996.
  5. —. The Essential Kierkegaard. Edited by Howard V. Hong and Edna H. Hong. New Jersey: Princeton University Press, 2000.
  6. Pattison, George. The Philosophy of Kierkegaard. Montreal & Kingston: McGill-Queen’s University Press, 2005.
  7. Perkins, Robert L. International Kierkegaard Commentary: The Concept of Anxiety. Georgia: Mercer University Press, 1985.
  8. Kierkegaard. The Concept of Anxiety. Translated by R.Thomte. Princeton: Princeton University Press, 1980.
  9. Tên, Học viện Dòng. Triết sử cận hiện đại. TP Hồ Chí Minh: Học viện Dòng Tên, 2014.
  10. Watts, Michael. Oxford: Oneworld publications, 2003.
  11. https://plato.stanford.edu/entries/Kierkegaard/#Reli.

[1] Tiếp cận khái niệm lo âu, có nhiều cách dịch từ động từ tiếng Đức Angst. Có người dịch sang tiếng Anh là Anxiety, là Dread, và tiếng việt là sự khắc khoải, âu lo, sợ hãi… Nhưng căn cứ vào tiếp cận của tác giả Mark H Stone tôi tạm đồng ý với cách dịch là Anxiety với nghĩa tiếng Việt là Lo âu. Nhưng cũng như tác giả vừa nó, lo âu này cần phải hiểu rất khác với cách hiểu thông thường. Cần nên hiểu nó như một sự trăn trở và giằng xé trong nội tại con người bởi chính sự hiện hữu và tồn tại của mình.

[2] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, trans. R.Thomte, Princeton: Princeton University Press, 1980, p.154.

[3] Soren Kierkegaard, Papers and Journals, Alastair Hannay trans., London: Penguin Books, 1996, p. 188.

[4] Trần Thái Đỉnh, Triết học Hiện sinh., NXB Văn Học, 2005, tr. 97.

[5] X. https://plato.stanford.edu/entries/Kierkegaard/#Reli.

[6] Triết sử cận hiện đại, Học viện Dòng Tên, 2014, 156.

[7] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, trang 88., dẫn trong tác phẩm của P. Masnard là Le vrai visage de Kierkegaard, Beauchesne, Paris 1948, Trang 204.

[8] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 155.

[9] X. Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 44.

[10] Michael Watts, Kierkegaard, Oneworld publications, 2003, p. 158.

[11] X. Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 42-44.

[12] X. Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 41-42.

[13] X. Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 45.

[14] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 77.

[15] X. Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 24.

[16] S.Kierkegaard, The Concept of Anxiety,26.

[17] X. Robert L. Perkins edit., International Kierkegaard Commentary: The Concept of Anxiety (Georgia: Mercer University Press, 1985), 103.

[18] X. Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 40.

[19] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 63.

[20] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 91.

[21] X. Triết sử cận hiện đại, Học viện Dòng Tên, 2014, 160.

[22] X. https://plato.stanford.edu/entries/Kierkegaard/#Reli.

[23] X. Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 53.

[24] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 105.

[25] X. Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 108.

[26] X. Howard V. Hong and Edna H. Hong ed., The Essential Kierkegaard, 153.

[27] X. Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 109

[28] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 108

[29] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 53

[30] Howard V. Hong and Edna H. Hong ed., The Essential Kierkegaard, 153.

[31] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 48

[32] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 49

[33] Howard V. Hong and Edna H. Hong ed., The Essential Kierkegaard, (New Jersey: Princeton University Press, 2000), 149-150.

[34] Howard V. Hong and Edna H. Hong ed., The Essential Kierkegaard, 151-152.

[35] Soren Kierkegaard: Papers and Journals, 184.

[36] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 48.

[37] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 26.

[38] X. Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 91-92.

[39] Howard V. Hong and Edna H. Hong ed., The Essential Kierkegaard, 153.

[40] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 154

[41] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 156

[42] Howard V. Hong and Edna H. Hong ed., The Essential Kierkegaard, 154-155.

[43] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 157

[44] Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, 159

[45] S. Kierkegaard, Fear and Trembling, Alastair Hannay trans., (New York: Penguin Grop, 2006), 151.

[46] George Pattison, The Philosophy of Kierkegaard, (McGill-Queen’s University Press, 2005),  pp. 46-50.

[47] Đậu Văn Hồng, Dẫn vào Hữu Thể Luận tra vấn chức năng Meta, nội bộ 2002, 42.

[48] Đậu Văn Hồng, Dẫn vào Hữu Thể Luận tra vấn chức năng Meta, nội bộ 2002, 63.

Bình luận về bài viết này

Website Built with WordPress.com.

Up ↑